Trong giao tiếp để thể hiện được thông điệp của bản thân, chúng ta thường sử dụng nhiều loại câu khác nhau như câu khẳng định, phủ định, câu hỏi… Và mục đích của việc đặt ra câu hỏi là để hai bên có thể trao đổi được nhiều hơn, hiểu nhau hơn, do đó chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Và bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu được kỹ năng đặt câu hỏi giúp đạt hiệu quả cao trong giao tiếp hằng ngày và cả trong công việc.
- Các dạng câu hỏi trong giao tiếp
1.1 Câu hỏi đóng – Câu hỏi mở
Câu hỏi đóng là câu hỏi mà câu trả lời cho nó chỉ là một từ hay một câu và mang tính chất lựa chọn, khẳng định lại hay cung cấp thông tin một cách chính xác. Ví dụ khi bạn hỏi “Bạn thích đọc sách không?” thì câu trả lời sẽ là “có” hoặc “không”, còn khi bạn hỏi “Bạn học trường nào?” thì đối phương cũng chỉ trả lời chính xác tên trường mà họ đang học. Trong một cuộc trò chuyện, câu hỏi đóng chỉ nên được sử dụng với tần số ít bởi nếu một câu hỏi đóng đặt không đúng lúc có thể làm cuộc đối thoại đi vào “ngõ cụt” và dẫn đến sự im lặng đáng sợ.
Câu hỏi mở là loại câu hỏi mà sẽ nhận được câu trả lời dài hơn, cách trả lời cũng đa dạng tùy theo quan điểm, kiến thức, cảm xúc của từng người và câu hỏi mở thường bắt đầu với các từ như: cái gì, vì sao hay như thế nào….
- Câu hỏi “hình nón”
Việc đặt câu hỏi dạng “hình nón” sẽ bắt đầu với những câu hỏi chung, có tính bao quát rồi dần dần đi vào trọng tâm trong mỗi câu trả lời và xoáy sâu hơn vào nó với nhiều cấp độ nhằm mục đích khai thác thông tin về một vấn đề, lĩnh vực nào đó. Và loại câu hỏi này được sử dụng phổ biến trong các cuộc điều tra cần lời khai, thông tin từ nhân chứng.
- Câu hỏi thăm dò
Sử dụng câu hỏi thăm dò khi bạn muốn tìm hiểu thêm nhiều thông tin khác cũng như hiểu rõ hơn về vấn đề vừa trao đổi. Và để có được những thông tin cần thiết, đúng trọng tâm hay khai thác được những vấn đề mà người nói cố gắng tránh né thì bạn có thể áp dụng công thức “5 Vì sao” (5 whys).
- Câu hỏi tu từ
Về bản chất thì câu hỏi tu từ không thật sự là một câu hỏi vì nó không yêu cầu người nghe phải trả lời mà thực chất đó là câu khẳng định có hình thức là câu hỏi nhằm để thể hiện cảm xúc và nhấn mạnh vào điều mà người nói thấy quan trọng. Ví dụ “ Bài thuyết trình của cô ấy trước hội đồng thật ấn tượng đúng không?”
Việc người nói sử dụng câu hỏi tu từ là để người nghe tham gia vào cuộc trò chuyện một cách tự nhiên, đồng thời đó còn là cách mở đầu một chủ đề trò chuyện mới, duy trì cuộc nói chuyện, tạo sự thích thú và thu hút với người nghe.
- Nguyên tắc khi đặt câu hỏi
- Xác định mục đích câu hỏi
Bất kỳ một câu hỏi nào đặt ra cũng phục vụ cho một mục đích nhất định vì thế người nói cần xác định rõ, chính xác mục đích câu hỏi của mình là muốn người nghe cung cấp những thông tin gì từ đó đưa ra câu hỏi cho phù hợp. Việc bạn đặt ra một câu hỏi mơ hồ, vô nghĩa sẽ gây khó khăn trong việc giải đáp và bạn cũng không có được những thông tin mình cần, lúc này cuộc đối thoại là không hiệu quả.
- Sử dụng ngôn từ thích hợp
Tùy thuộc vào chủ đề được hỏi, hoàn cảnh giao tiếp mà bạn cần chọn lọc từ ngữ cho phù hợp. Trường hợp bạn đặt câu hỏi cho người không am hiểu về lĩnh vực được hỏi thì nên hạn chế sử dụng từ ngữ chuyên môn, còn đối với cấp trên thì bạn cần dùng ngôn từ khiêm tốn, tôn trọng và lịch sự…
Như vậy, qua bài viết chúng ta đã phần nào hiểu hơn về các dạng câu hỏi trong giao tiếp để có thể sử dụng chúng một cách hiệu quả trong bất kỳ tình huống nào. Ngoài ra còn học hỏi được những kỹ năng đặt câu hỏi giúp cho cuộc trò chuyện trở nên trôi chảy, thuận lợi hơn. Trong công việc và cuộc sống thì có vô số những hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, vì thế chúng ta cần vận dụng những kiến thức trên một cách thật linh động, mềm dẽo để mang đến hiệu quả cao nhất.